Giá trị đầu tư chuyển nhượng bất động sản thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương dự kiến tăng 15-20%, cao hơn mức 5-10% đưa ra đầu năm.
Báo cáo mới nhất của CBRE cho biết, hoạt động đầu tư bất động sản thương mại tăng trưởng đáng kể trong nửa đầu năm nay. Đây là kết quả từ việc nhà đầu tư triển khai vốn tích cực sau thời kỳ trầm lắng trong năm ngoái.
Giá trị giao dịch đầu tư giai đoạn này ước tính đạt tới 68 tỷ USD, tương đương 63% tổng giá trị giao dịch của cả năm 2020 với các giao dịch mua từ các quỹ bất động sản, các đơn vị đầu tư tổ chức bao gồm quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ tài sản quốc gia và các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT). Theo đó, bất chấp các biến thể Covid-19 phức tạp, giá trị giao dịch đầu tư của cả năm dự kiến sẽ tăng 15-20%, vượt mức dự báo 5-10% vào đầu năm.
Đối với thị trường Việt Nam, nửa đầu năm 2021 là giai đoạn sôi động của các nhà đầu tư cũng như chủ sở hữu bất động sản trong lĩnh vực công nghiệp và logistics với một số giao dịch đáng ghi nhận. Hoạt động đầu tư phát triển dự án logistics, thương mại và nhà ở sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn, trong khi các loại hình bất động sản đầu tư khác như văn phòng và khách sạn chất lượng tốt có thể sẽ được săn đón trở lại khi Việt Nam trên đà phục hồi.
“Các nhà đầu tư săn giá rẻ có thể không hài lòng khi các tài sản có giá chiết khấu trở nên khan hiếm do hoạt động đầu tư gia tăng”, ông Henry Chin, Trưởng bộ phận Investor Thought Leadership toàn cầu & Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của CBRE châu Á – Thái Bình Dương nhận xét.
Theo ông, với nhu cầu thuê văn phòng tiếp tục được cải thiện, giá thuê sẽ duy trì ở mức bình ổn trong năm 2022 trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2023. Đây sẽ là lúc các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư không chịu ảnh hưởng của tính chu kỳ ở các bất động sản văn phòng, bán lẻ và khách sạn.
Ông cũng cho biết, lợi suất của bất động sản văn phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, vì vậy, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư gia tăng giá trị ở những thị trường thiếu hụt nguồn cung như Seoul và Singapore.
Sự phục hồi từ thị trường
Đối với thị trường bán lẻ, các tài sản bán lẻ khu vực và các trung tâm bán lẻ quy mô lớn sẽ là những cơ hội hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nguồn vốn hướng tới thị trường khách sạn & nghỉ dưỡng, đặc biệt tại các quốc gia có nhiều khách du lịch trong nước. Trong lĩnh vực logistics, lợi suất ở mức thấp sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển như là một kênh hấp dẫn để gia tăng lợi nhuận kỳ vọng.
Ngoài ra, báo cáo của CBRE cũng nhận định, sự hồi phục tại các thị trường bất động sản công nghiệp, văn phòng, bán lẻ sẽ là bước đệm cho sự phát triển trong năm 2022.
Với thị trường văn phòng, trong năm 2021, hoạt động cho thuê đang dần được cải thiện, khi nhu cầu thuê trên đà phục hồi so với mức thấp của năm trước. Nhu cầu thuê cả năm dự kiến tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5% đã dự báo hồi đầu năm. Các thị trường vẫn duy trì kết quả hoạt động khả quan như Singapore, Đài Bắc, Seoul dự báo giá thuê văn phòng hạng A sẽ tăng trưởng trên mức trước đại dịch vào năm 2023.
Tại Việt Nam, nhu cầu cho thuê cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan, với lượng diện tích hấp thụ ởTP HCM và Hà Nội trong 6 tháng đầu năm gần bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, nửa cuối năm, thị trường dự kiến đối mặt với nhiều thách thức, khi Việt Nam vẫn đang tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19.
Với thị trường bán lẻ, trong nửa đầu năm, doanh số bán lẻ ở hầu hết các thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bình ổn trở lại, thậm chí bằng hoặc vượt mức doanh thu trước đại dịch. Kết quả hoạt động khả quan của các phân khúc bán lẻ này thúc đẩy nhu cầu thuê và các quyết định thay đổi tới các địa điểm thuê có chất lượng tốt hơn. Giá thuê trong khu vực dự báo sẽ đi vào ổn định vào năm 2022, trong đó giá thuê tại các trung tâm thương mại phục vụ nhu yếu phẩm hàng ngày có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Ở Việt Nam, trước tình hình sụt giảm doanh số do giãn cách kéo dài, nhiều nhà bán lẻ đã chuyển hướng sang sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến. Phương thức này được dự báo sẽ là tiêu chuẩn kinh doanh bán lẻ mới, sẽ được cả trung tâm thương mại lẫn các hãng bán lẻ đón nhận, khi người dân dần vượt qua được đại dịch.
Còn với thị trường logistics, CBRE cho biết, 6 tháng đầu năm đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ cua các nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ logistics bên thứ 3 với tỷ lệ hấp thụ lên đến 35,6 triệu m2 tại châu Á, con số cao nhất được ghi nhận trong nửa đầu năm.
Giá thuê bất động sản cho logistics khu vực được ghi nhận ở mức tích cực trong sáu tháng đầu năm, với mức tăng trưởng 1,6% so với hồi cuối năm ngoái. Theo đó, CBRE đã điều chỉnh dự báo giá cho thuê ở các thị trường bao gồm Bắc Kinh, Singapore, Melbourne, Hong Kong lên mức cao hơn.
Tại miền Nam Việt Nam, giá cho thuê dự kiến có bước phục hồi mạnh mẽ. Đối với khu vực phía Bắc, dù phần lớn tâm lý của nhà đầu tư và khách thuê đều khá tích cực, nguồn cung lớn trong hai năm tới sẽ khiến chủ nhà có thể phải ưu tiên tỷ lệ lấp đầy trước khi kỳ vọng tăng trưởng giá thuê.